Cách giặt và bảo quản áo khoác dạ ép lông cừu để luôn bền đẹp như mới
Tác giả: Nguyễn Thị Hoa
Ngày cập nhật: 06-09-2022 | 2879 lượt xem
Trong các loại trang phục thời trang thu đông, áo khoác dạ ép lông cừu được nhiều chị em yêu thích cuồng nhiệt và luôn mơ ước được sở hữu, bởi sự sang trọng, đẳng cấp, hợp thời trang mà nó mang lại. Áo dạ lông cừu có chất liệu chủ yếu là lông cừu tự nhiên đã qua xử lý, ngoài ra có thể pha thêm một số loại lông động vật khác như dê Cashmere, thỏ Angora hay lạc đà Alpaca..., sợi tencel, sợi tổng hợp như polyester... Chất liệu lông cừu thân thiện với môi trường, mỏng nhẹ, mềm mịn và có khả năng giữ ấm rất tốt. Dòng sản phẩm này thường được khâu tay thủ công để làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, áo khoác dạ lông cừu khá "khó chiều", đôi khi chỉ vì lỗi giặt là, bảo quản sai cách mà nhiều chiếc áo lông cừu đắt tiền nhanh chóng bị hư hỏng và phải vứt xó. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu cách giặt là, bảo quản dòng áo này để giữ áo được bền đẹp như mới bạn nhé.
1. Cách giặt áo khoác dạ lông cừu
Tại sao áo khoác dạ lông cừu thường được khuyến cáo: giặt khô?
Áo dạ lông cừu thường được các hãng khuyến cáo: giặt khô, bởi lông cừu là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Nước và các chất tẩy thông thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng áo: làm phai màu áo, làm mất form dáng ban đầu của áo, làm mất các chi tiết trên vân áo. Tốt nhất là bạn hãy mang áo ra tiệm để giặt khô, và hãy tìm địa chỉ giặt ủi uy tín.
Thường thì trên nhãn mác của sản phẩm thường có hướng dẫn giặt và bảo quản. Bạn nên tuân thủ hướng dẫn này, nếu không thì chiếc áo đắt tiền của mình sẽ rất dễ hỏng.
Giặt khô là gì?
Giặt khô là cách giặt không cần dùng đến nước, mà sử dụng dung môi kết hợp với máy giặt khô, hóa chất giặt khô để làm sạch quần áo.
Giặt khô giúp đánh bay các vết bẩn cứng đầu với hiệu quả cao mà không làm quần áo bị phai màu, mất nếp như khi giặt nước. Quần áo khi giặt khô cũng ít bị nhăn hơn so với giặt nước. Đối với áo khoác dạ lông cừu thì cần thiết phải giặt khô để đảm bảo độ bền của áo cũng như độ mịn màng của lớp lông.
Cách giặt áo dạ lông cừu bằng nước trong trường hợp bất đắc dĩ
Tốt nhất là giặt khô, nhưng trong trường hợp bắt buộc phải giặt bằng nước, hãy giặt tay thật nhẹ nhàng theo quy trình sau:
- Treo áo lên và vỗ để áo bay bớt bụi
- Dùng nước mát để giặt áo, không giặt áo dạ lông cừu bằng nước ấm hay nước nóng vì nước nóng sẽ làm sợi vải bị co, biến dạng
- Hòa vào nước nước giặt có độ giặt tẩy nhẹ, không dùng bột giặt có độ tẩy rửa mạnh, bột giặt có chứa enzyme
- Ngâm áo 10- 15 phút để nước giặt làm sạch áo. Dùng tay bóp nhẹ nhàng để vết bẩn ra hết, không vò áo. Ở những vị trí có chi tiết đệm hoặc cầu áo, sử dụng bàn chải lông mềm để làm sạch
- Xả áo dưới vòi nước nhẹ nhàng cho sạch nước giặt
- Để vắt áo, bạn trải 1 chiếc khăn to thấm hút tốt, rồi trải áo lên trên, dùng tay miết nhẹ cho áo thẳng ra. Cuộn cả khăn và áo lại và bóp nhẹ để khăn thấm nước. Bạn lấy khăn ra, vắt khăn cho khô rồi làm lại quy trình vắt áo này 1-2 lần nữa để áo được ráo nước
- Khi phơi áo dạ lông cừu, bạn nên đặt áo trên bề mặt phẳng, phơi ở nơi râm mát và thoáng đãng cho tới khi áo khô hẳn. Không phơi dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì sẽ làm áo bị bạc màu.
Chú ý:
- Khi giặt áo khoác dạ lông cừu bằng nước, dù là giặt tay thì chất lượng áo vẫn bị ảnh hưởng. Với áo có đai, bạn cần giặt cả đai và áo để màu sắc của chúng được đồng nhất
- Tuyệt đối không giặt áo dạ lông cừu bằng máy giặt, vì máy giặt sẽ làm áo bị mất form và xù lông nhìn rất ghê
- Với áo khoác dạ lông cừu không nên giặt nhiều lần, khoảng 4 tháng giặt 1 lần là ổn
- Với những chiếc áo dạ lông cừu có màu đậm như tím, đỏ, hồng, xanh navy muốn giữ áo được bền màu nhất, sau khi mua, bạn nên cho áo vào túi nylon, buộc kín và để trong ngăn đá tủ lạnh qua đêm rồi mới mang ra sử dụng
2. Cách là (ủi) áo dạ lông cừu
- Khi áo dạ lông cừu bị nhăn, bạn hãy treo áo lên mắc và cho áo nghỉ 1 ngày, trong quãng thời gian này các sợi len của áo sẽ duỗi thẳng giúp áo hết nhăn, khôi phục lại form áo
- Nên là (ủi) bằng bàn là hơi nước. Áo khoác dạ lông cừu có chất liệu làm từ lông cừu tự nhiên, nếu là bằng bàn là thường sẽ làm mất đi độ ẩm của áo và dễ làm cháy áo
- Trường hợp không có bàn là hơi nước, bạn hãy trải một chiếc khăn mỏng ẩm lên mặt trái áo và là bằng chế độ là len dạ
Chú ý:
- Hãy là theo kiểu làm phẳng từng điểm rồi nhấc bàn là lên, không là miết theo chiều dọc của áo vì sẽ làm dãn áo.
3. Bảo vệ áo khoác dạ lông cừu khỏi các tác nhân gây hại, bụi bẩn
Khi không mặc nữa, bạn cũng cần chú ý đến việc cất giữ, bảo quản áo.
- Hãy chắc chắn áo dạ lông cừu sạch và khô khi bạn đem đi cất
- Treo áo lên móc bản to và lồng túi nylon bên ngoài để tránh bụi bẩn và đỡ ẩm. Hoặc bạn không treo áo mà xếp vào túi nylon và cất trong tủ, đặt áo trên bề mặt phẳng.
- Có thể dùng gói hút ẩm để tránh ẩm mốc cho áo, băng phiến để xua đuổi côn trùng như gián, chuột, bọ, mọt...
- Thỉnh thoảng bạn hãy kiểm tra áo có bị ẩm mốc hay bị côn trùng cắn để kịp thời xử lý
Nếu áp dụng theo những cách giặt và bảo quản ở trên, chiếc áo lông cừu của bạn sẽ bền đẹp dài lâu, giúp bạn diện đẹp cũng như giữ ấm trong những ngày mùa đông giá rét.